Nhân khẩu Pháp

Bài chi tiết: Nhân khẩu Pháp
Mật độ dân số tại Pháp theo điều tra năm 1999.

Tổng dân số Pháp ước đạt khoảng 67 triệu người vào tháng 1 năm 2017,[220] trong đó 64,8 triệu người sống tại Chính quốc Pháp. Pháp là quốc gia đông dân thứ 20 trên thế giới và thứ ba tại châu Âu, và thứ nhì trong Liên minh châu Âu sau Đức.

Pháp hiện là một ngoại lệ trong số các quốc gia phát triển, đặc biệt là các quốc gia châu Âu do có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên tương đối cao; chỉ tính về tỷ suất sinh thì Pháp chiếm gần như toàn bộ tăng trưởng dân số tự nhiên trong Liên minh châu Âu vào năm 2006, với tốc độ gia tăng tự nhiên (số sinh trừ đi số tử) lên đến 300.000 và tính cả nhập cư thì dân số tăng 400.000 người,[221] song vào cuối thập niên 2010 con số này giảm còn 200.000. Đây là mức cao nhất kể từ khi kết thúc bùng nổ sinh sản vào năm 1973, và trùng với gia tăng tổng tỷ suất sinh từ mức đáy là 1,7 vào năm 1994 lên 2,0 vào năm 2010. Tính đến năm Tháng 1 năm 2017[cập nhật] tỷ suất sinh là 1,93.[222][223][224]

Từ năm 2006 đến năm 2011, tốc độ gia tăng dân số trung bình là +0,6% mỗi năm.[225] Nhập cư cũng là một yếu tố đóng góp lớn vào xu hướng này; trong năm 2010, 27% số trẻ sinh tại Chính quốc Pháp có ít nhất một cha/mẹ sinh tại nước ngoài và 24% có ít nhất một cha/mẹ sinh bên ngoài châu Âu (cha mẹ sinh tại các lãnh thổ hải ngoại được xem là sinh tại Pháp).[226]

Dân tộc

Hầu hết người Pháp có nguồn gốc Celt (Gaulois), pha trộn với các nhóm La Tinh và Germain (Frank).[227] Các vùng khác nhau phản ánh di sản đa dạng này, với yếu tố Breton nổi bật tại miền tây của Pháp, Aquitani tại miền tây nam, Scandinavia tại miền tây bắc, Alemanni tại miền đông bắc và Liguria tại miền đông nam. Nhập cư quy mô lớn trong một thế kỷ rưỡi qua dẫn đến một xã hội đa văn hoá hơn. Năm 2004, Institut Montaigne ước tính rằng tại Chính quốc Pháp, có 51 triệu người Da trắng (85% dân số), 6 triệu người Bắc Phi (10%), 2 triệu người Da đen (3,3%), và 1 triệu người châu Á (1,7%).[228][229]

Một điều luật có nguồn gốc từ cách mạng năm 1789 và được tái xác nhận trong hiến pháp năm 1958 quy định sẽ là bất hợp pháp nếu nhà nước Pháp thu thập dữ liệu về dân tộc hoặc nguồn gốc. Năm 2008, cuộc thăm dò do INED và INSEE tiến hành[230][231] ước tính rằng 5 triệu người có nguồn gốc Ý (cộng đồng nhập cư lớn nhất), tiếp theo là 3 triệu[232][233] đến 6 triệu[234] người có nguồn gốc Bắc Phi, 2,5 triệu người có nguồn gốc châu Phi hạ Sahara, và 200.000 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.[235] Có trên 500.000 người Armenia tại Pháp. Ngoài ra, còn có các cộng đồng thiểu số người Âu đáng kể khác như người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, người Ba Lanngười Hy Lạp.[232][236][237] Pháp có lượng người Gypsy (Di-gan) đáng kể, từ 20.000 đến 400.000.[238] Nhiều người Gypsy nước ngoài bị trục xuất về Bulgaria và Romania thường xuyên.[239]

Một ước tính vào năm 2005 cho rằng 40% dân số Pháp là hậu duệ (ít nhất là một phần) từ các làn sóng nhập cư đến Pháp từ đầu thế kỷ XX;[240] chỉ tính riêng từ năm 1921 đến năm 1935, có khoảng 1,1 triệu người nhập cư thuần đến Pháp.[241] Làn sóng lớn tiếp theo là trong thập niên 1960, khi có khoảng 1,6 triệu người Pied-Noir trở về Pháp sau khi các thuộc địa của Pháp tại Bắc Phi được độc lập.[242][243] Cùng với họ là nhiều thần dân thuộc địa cũ từ Bắc và Tây Phi, cũng như nhiều người nhập cư từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Pháp duy trì là một điểm đến chính đối với người nhập cư, nước này tiếp nhận khoảng hai trăm nghìn người nhập cư hợp pháp mỗi năm.[244] Pháp cũng là quốc gia đứng hàng đầu Tây Âu về tiếp nhận người tìm kiếm tị nạn, ước tính có khoảng 50.000 đơn xin vào năm 2005.[245] Liên minh châu Âu cho phép di chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên, song Pháp thiết lập kiểm soát nhằm kiềm chế di cư của người Đông Âu, và nhập cư vẫn là một vấn đề chính trị gây tranh luận.

Năm 2008, INSEE ước tính rằng tổng số người nhập cư sinh tại nước ngoài là khoảng 5 triệu (8% dân số), trong khi hậu duệ sinh tại Pháp của họ là 6,5 triệu, tức 11% dân số. Do đó, gần một phần năm dân số Pháp là người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai, trong đó có trên 5 triệu người gốc Âu và 4 triệu người gốc Bắc Phi.[246][247][248] Năm 2008, Pháp cấp quyền công dân cho 137.000 người, hầu hết là người đến từ Maroc, Algérie và Thổ Nhĩ Kỳ.[249] Năm 2014, INSEE công bố một nghiên cứu cho thấy số người nhập cư Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý tăng gấp đôi từ năm 2009 đến năm 2012. Theo viện này, đây là kết quả từ khủng hoảng tài chính gây tổn thất cho một số quốc gia châu Âu đương thời, đẩy nhiều người châu Âu đến Pháp.[250]

Thành phố lớn

Pháp là quốc gia đô thị hoá cao độ, các thành phố lớn nhất theo dân số vùng đô thị vào năm 2013[251]) là Paris (12.405.426 người), Lyon (2.237.676), Marseille (1.734.277), Toulouse (1.291.517), Bordeaux (1.178.335), Lille (1.175.828), Nice (1.004.826), Nantes (908.815), Strasbourg (773.447) và Rennes (700.675). Di cư từ nông thôn đến thành thị là một vấn đề chính trị lâu dài trong hầu hết thế kỷ XX.

Thành thị lớn nhất của Pháp
điều tra năm 2010
HạngTênVùngDân sốHạngTênVùngDân số

Paris

Marseille
1Paris Île-de-France2.243.83311RennesBretagne207.178
Lyon

Toulouse
2MarseilleProvence-Alpes-Côte d'Azur850.72612ReimsGrand Est179.992
3LyonAuvergne-Rhône-Alpes484.34413Le HavreNormandie175.497
4ToulouseOccitanie441.80214Saint-ÉtienneAuvergne-Rhône-Alpes171.260
5NiceProvence-Alpes-Côte d'Azur343.30415ToulonProvence-Alpes-Côte d'Azur164.532
6NantesPays de la Loire284.97016GrenobleAuvergne-Rhône-Alpes155.637
7StrasbourgGrand Est271.78217DijonBourgogne-Franche-Comté151.212
8MontpellierOccitanie257.35118AngersPays de la Loire147.571
9BordeauxNouvelle-Aquitaine239.15719VilleurbanneAuvergne-Rhône-Alpes145.150
10LilleHauts-de-France227.56020 Saint-DenisRéunion145.022

Khu vực đô thị chức năng

Bản đồ 25 đơn vị đô thị lớn nhất theo dân số
Khu đô thị
chức năng
VùngDân số
2012
ParisÎle-de-France11.688.000
LyonAuvergne-Rhône-Alpes1.935.000
MarseilleProvence-Alpes-Côte d'Azur1.732.000
LilleHauts-de-France1.357.000
ToulouseOccitanie1.255.000
BordeauxNouvelle-Aquitaine1.152.000
NiceProvence-Alpes-Côte d'Azur846.000
StrasbourgGrand Est767.000
RouenNormandie696.000
RennesBretagne691.000
MontpellierOccitanie658.000
GrenobleAuvergne-Rhône-Alpes657.000
ToulonProvence-Alpes-Côte d'Azur552.000
Saint-ÉtienneAuvergne-Rhône-Alpes525.000

Ngôn ngữ

Bản đồ thế giới Pháp ngữ
  Bản ngữ
  Ngôn ngữ hành chính
  Ngôn ngữ thứ hai hoặc phi chính thức
  Thiểu số Pháp ngữ

Điều 2 trong Hiến pháp Pháp quy định ngôn ngữ chính thức của quốc gia là tiếng Pháp,[252] một ngôn ngữ thuộc nhóm Roman bắt nguồn từ tiếng La Tinh. Kể từ năm 1635, Viện hàn lâm Pháp là cơ quan chính thức của Pháp về tiếng Pháp, song các khuyến nghị của viện không có quyền lực pháp lý.

Chính phủ Pháp không quy định lựa chọn ngôn ngữ xuất bản của các cá nhân song pháp luật yêu cầu sử dụng tiếng Pháp trong các giao dịch thương mại và tại nơi làm việc. Ngoài quy định sử dụng tiếng Pháp trên lãnh thổ của nước cộng hoà, chính phủ Pháp còn nỗ lực xúc tiến sử dụng tiếng Pháp trong Liên minh châu Âu và toàn cầu thông qua các thể chế như Cộng đồng Pháp ngữ. Nhận thức mối đe doạ từ Anh hoá, chính phủ Pháp thúc đẩy các nỗ lực nhằm bảo vệ vị thế của tiếng Pháp tại Pháp. Ngoài tiếng Pháp, còn có 77 ngôn ngữ thiểu số bản địa tại Pháp, tám ngôn ngữ trong đó được nói tại Chính quốc Pháp, và 69 ngôn ngữ được nói tại các lãnh thổ hải ngoại.

Từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, tiếng Pháp có vị thế là ngôn ngữ quốc tế chi phối trong các vấn đề ngoại giao và quốc tế, cũng như là ngôn ngữ chung giữa các tầng lớp có giáo dục tại châu Âu.[253] Vị thế chi phối của tiếng Pháp trong các vấn đề quốc tế bị tiếng Anh vượt qua do Hoa Kỳ nổi lên thành một cường quốc chủ chốt.[57][254][255]

Trong hầu hết thời gian tiếng Pháp giữ vai trò là ngôn ngữ chung quốc tế, nó vẫn chưa phải là bản ngữ của hầu hết người Pháp: Một báo cáo vào năm 1794 do Henri Grégoire tiến hành cho thấy rằng trong số 25 triệu dân trong nước, chỉ có ba triệu người nói tiếng Pháp như bản ngữ; phần còn lại nói một trong nhiều ngôn ngữ khu vực như Alsace, Breton hay Occitan.[256] Thông qua mở rộng giáo dục đại chúng, với tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy duy nhất, cùng các yếu tố khác như gia tăng đô thị hoá và truyền thông đại chúng, tiếng Pháp dần được gần như toàn thể dân chúng tiếp nhận, quá trình này hoàn thành vào thế kỷ XX.

Do các tham vọng thực dân quy mô lớn của Pháp từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, tiếng Pháp được đưa đến châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương, Đông Nam Á và Caribe. Tiếng Pháp là ngoại ngữ được học nhiều thứ nhì trên thế giới sau tiếng Anh,[257] và là một ngôn ngữ chung tại một số khu vực như châu Phi. Di sản của tiếng Pháp với tư cách sinh ngữ bên ngoài châu Âu có tình trạng khác nhau: Ngôn ngữ này gần như tuyệt diệt tại một số cựu thuộc địa của Pháp (Levant, Nam và Đông Nam Á), trong khi các ngôn ngữ hỗn hợp và ngôn ngữ bồi dựa trên tiếng Pháp xuất hiện trong các tỉnh của Pháp tại Tây Ấn và Nam Thái Bình Dương. Trong khi đó, nhiều cựu thuộc địa của Pháp chọn tiếng Pháp là một ngôn ngữ chính thức, và tổng số người nói tiếng Pháp đang tăng lên, đặc biệt là tại châu Phi.

Theo ước tính có từ 300 triệu[258] đến 500 triệu[259] người trên toàn cầu có thể nói tiếng Pháp, trong vai trò là bản ngữ hoặc một ngôn ngữ thứ hai.

Tôn giáo

Tôn giáo tại Pháp (2016)[1]

  Kitô giáo (51.1%)
  Không tôn giáo (39.6%)
  Hồi giáo (5.6%)
  Do Thái giáo (0.8%)
  Tôn giáo khác (2.5%)
  Không xác định (0.4%)
Notre-Dame de Reims là nhà thờ lớn của Công giáo La Mã, là nơi các quốc vương của Pháp đăng cơ cho đến năm 1825.[260]

Pháp là một quốc gia thế tục, và tự do tôn giáo là một quyền lợi theo hiến pháp. Chính sách tôn giáo của Pháp dựa trên quan niệm laïcité, tức tách biệt nghiêm ngặt nhà thờ và nhà nước, theo đó sinh hoạt công cộng đi theo hướng hoàn toàn thế tục. Công giáo La Mã từng là tôn giáo chi phối tại Pháp trong hơn một thiên niên kỷ, song hiện nay tôn giáo này không còn được hành lễ tích cực như trước. Trong số 47.000 toà nhà tôn giáo tại Pháp, 94% là của Công giáo La Mã.[261] Năm 1965, 81% người Pháp tự nhận là tín đồ Công giáo La Mã, song đến năm 2009 tỷ lệ này còn 64%. Hơn nữa, 27% người Pháp tham gia Thánh lễ ít nhất mỗi lần một tuần vào năm 1952, song tỷ lệ giảm xuống 5% vào năm 2006.[262] Cuộc khảo sát tương tự cho thấy rằng tín đồ Tin Lành chiếm 3% dân số, tăng so với các cuộc khảo sát trước đó, và 5% là tín đồ của các tôn giáo khác, 28% còn lại nói rằng họ không theo tôn giáo nào.[262] Phúc Âm có lẽ là giáo phái phát triển nhanh nhất tại Pháp.[263] Trong Cách mạng Pháp, các nhà hoạt động tiến hành một chiến dịch tàn bạo nhằm chống Cơ Đốc giáo, kết thúc vị thế chính thức cấp nhà nước của Giáo hội Công giáo. Trong một số trường hợp, tăng lữ và các nhà thờ bị tấn công, những người đả phá tín ngưỡng loại bỏ các tượng và vật trang trí của nhà thờ. Pháp thiết lập laïcité khi thông qua đạo luật năm 1905 về tách biệt nhà thờ và nhà nước.[264]

Theo một khảo sát trong tháng 1 năm 2007,[265] chỉ có 5% dân số Pháp đến nhà thờ định kỳ (trong số người tự nhận là tín đồ Công giáo, 10% định kỳ tham gia lễ của nhà thờ). Cuộc thăm dò cho thấy[266] rằng 51% công dân tự nhận là tín đồ Công giáo, 31% tự nhận theo thuyết bất khả tri hoặc thuyết vô thần (cuộc thăm dò khác[267] xác định tỷ lệ người vô thần là 27%), 10% tự nhận thuộc các tôn giáo khác ngoài các lựa chọn, 4% tự nhận là người Hồi giáo, 3% tự nhận là tín đồ Tin Lành, 1% tự nhận là tín đồ Phật giáo, và 1% tự nhận là người Do Thái. Trong khi đó, một ước tính độc lập do nhà khoa học chính trị Pierre Bréchon tiến hành vào năm 2009 kết luận rằng tỷ lệ tín đồ Công giáo giảm còn 42%, trong khi số người vô thần và bất khả tri tăng lên đến 50%.[268] Năm 2011, trong một cuộc thăm dò của IFOP, 65% cư dân Pháp tự nhận là tín đồ Cơ Đốc giáo, và 25% không gắn bó với tôn giáo nào.[269] Theo thăm dò Eurobarometer vào năm 2012, Cơ Đốc giáo là tôn giáo lớn nhất tại Pháp với khoảng 60% công dân.[270] Pháp cũng là quốc gia có số dân theo đạo Công giáo lớn thứ hai châu Âu sau Ý với 44 triệu tín hữu.

Các ước tính về số người Hồi giáo tại Pháp rất khác biệt. Năm 2003, Bộ Nội vụ Pháp ước tính tổng số người có xuất thân Hồi giáo là 5-6 triệu người (8–10%).[271][272] Theo Pewforum, "Tại Pháp, đề xuất năm 2004 về lệnh cấm mang các biểu trưng tôn giáo trong trường học cho rằng nó bảo vệ các bé gái Hồi giáo khỏi bị ép mang khăn trùm đầu, song luật cũng hạn chế những người muốn mang khăn trùm đầu – hoặc bất kỳ biểu trưng tôn giáo "dễ nhận biết" náo khác, bao gồm các chữ thập Cơ Đốc giáo cỡ lớn và khăn xếp của người Sikh – để biểu thị tín ngưỡng của họ."[273] Cộng đồng Do Thái tại Pháp ước tính có khoảng 600.000 người, là cộng đồng Do Thái lớn thứ ba trên thế giới sau các cộng đồng tại Israel và Hoa Kỳ.

Theo nguyên tắc laïcité, pháp luật cấm chỉ công nhận bất kỳ quyền lợi cụ thể nào cho một cộng đồng tôn giáo (ngoại trừ các quy chế di sản như cho giáo sĩ quân đội và pháp luật địa phương tại Alsace-Moselle). Luật công nhận các tổ chức tôn giáo, theo tiêu chuẩn pháp lý chính thức mà không đề cập đến thuyết lý tôn giáo. Đổi lại, các tổ chức tôn giáo được mong đợi kiềm chế can thiệp vào quá trình lập chính sách.[274] Các tổ chức nhất định như Khoa Luận giáo, Gia đình Quốc tế, Giáo hội Thống nhất, hay Thánh điện Thái dương được xem là giáo phái (secte trong tiếng Pháp),[275] và do đó không có vị thế tương tự như các tôn giáo được công nhận tại Pháp. Secte được cho là thuật ngữ có ý nghĩa xấu tại Pháp.[276]

Y tế

Bệnh viện Pitié-Salpêtrière là một bệnh viện giảng dạy tại Paris, là một trong các bệnh viện lớn nhất châu Âu.[277]

Hệ thống y tế Pháp mang tính toàn dân, phần lớn được tài trợ từ bảo hiểm y tế quốc dân của chính phủ. Trong đánh giá năm 2000 về các hệ thống y tế thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới nhận xét rằng Pháp cung cấp dịch vụ "gần với y tế toàn thể nhất" trên thế giới.[278] Tổ chức Y tế Thế giới xếp hệ thống y tế của Pháp ở hạng nhất thế giới vào năm 1997.[279][280] Năm 2011, Pháp chi 11,6% GDP cho y tế, tức trung bình 4.086 USD cho mỗi cá nhân,[281] con số này cao hơn nhiều so với chi tiêu bình quân của các quốc gia châu Âu song thấp hơn của Hoa Kỳ. Khoảng 77% chi phí y tế được chi trả bởi các cơ quan do chính phủ tài trợ.[282]

Chăm sóc y tế thường là miễn phí cho người dân bị mắc các bệnh mạn tính như ung thư, AIDS hay xơ nang. Bình quân tuổi thọ dự tính khi sinh là 78 năm đối với nam giới và 85 năm đối với nữ giới, thuộc hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu.[283] Pháp có 3,22 bác sĩ trên 1000 cư dân,[284] và chi tiêu y tế bình quân đầu người là 4.719 USD vào năm 2008.[285]Tính đến năm 2007[cập nhật], khoảng 140.000 cư dân (0,4%) Pháp sống cùng với HIV/AIDS.[93]

Dù người Pháp có tiếng là thuộc hàng thanh mảnh nhất trong các quốc gia phát triển,[286][287][288][289] song Pháp cũng phải đối diện với tình trạng béo phì gia tăng và gần đây đã trở thành bệnh dịch, hầu hết là do thay đổi thói quen ăn uống của người Pháp từ ẩm thực Pháp truyền thống có lợi cho sức khoẻ sang "thức ăn rác" có hại cho sức khoẻ.[286][287][290] Tỷ lệ béo phì tại Pháp vẫn thấp xa so với tỷ lệ của Hoa Kỳ, và vẫn thấp nhất châu Âu.[289][290] Nhà cầm quyền nay nhìn nhận béo phì là một trong các vấn đề y tế công cộng chính[291] và chiến đấu quyết liệt với nó. Tỷ lệ trẻ em béo phì đang chậm lại tại Pháp, trong khi tiếp tục tăng lên tại các quốc gia khác.[292]

Giáo dục

Thư viện trong khuôn viên Đại học Strasbourg.

Năm 1802, Napoléon lập ra lycée (trung học phổ thông).[293] Tuy thế, Jules Ferry được cho là cha đẻ của trường học hiện đại tại Pháp, có đặc điểm là miễn phí, thế tục và bắt buộc cho đến năm 13 tuổi kể từ 1882[294] (hiện nay giáo dục nghĩa vụ tại Pháp kéo dài cho đến tuổi 16[295]).

Hiện nay, hệ thống trường học tại Pháp mang tính tập trung, và gồm có ba cấp là giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, và giáo dục bậc đại học. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) hợp tác với OECD xếp hạng giáo dục Pháp có thành tích thứ 25 thế giới vào năm 2006, không cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể mức trung bình của OECD.[296] Giáo dục tiểu học và trung học chủ yếu là trong các trường học công lập, do Bộ Giáo dục Quốc dân điều hành. Tại Pháp, giáo dục là bắt buộc từ 6-16 tuổi, và trường học công lập có đặc điểm thế tục và miễn phí. Đào tạo và trả lương cho giáo viên và chương trình giảng dạy là trách nhiệm của nhà nước trung ương, song quản lý các trường tiểu học và trung học do nhà cầm quyền địa phương giám sát. Giáo dục tiểu học gồm hai giai đoạn, trường nhà trẻ (école maternelle) và trường cơ bản (école élémentaire). Trường nhà trẻ nhắm mục tiêu kích thích trí tuệ của trẻ em và thúc đẩy xã hội hoá của chúng và phát triển hiểu biết cơ bản về ngôn ngữ và số đếm. Khoảng tuổi thứ sáu, trẻ chuyển sang trường cơ bản, với các mục tiêu chủ yếu là học viết, tính toán và bổn phận công dân. Giáo dục trung học cũng gồm hai giai đoạn, giai đoạn đầu được tiến hành thông qua các collège và kết quả là đạt chứng chỉ quốc gia (Diplôme national du brevet). Giai đoạn hai được tiến hành trong các lycée và kết thúc là kỳ khảo thí quốc gia để đỗ bằng tú tài (baccalauréat, về nghề nghiệp, kỹ thuật hoặc tổng quan) hoặc chứng chỉ năng lực nghề nghiệp (certificat d'aptitude professionelle).

Giáo dục bậc đại học được chia thành các đại học công lập và các Grande école danh giá có tuyển chọn như Sciences Po Paris về nghiên cứu chính trị, HEC Paris về kinh tế, PolytechniqueMines ParisTech đào tạo các kỹ sư chất lượng cao, hay Trường Quốc gia Hành chính Pháp về sự nghiệp và Grands Corps của nhà nước. Các Grandes école bị chỉ trích do cáo buộc về chủ nghĩa tinh hoa;[297] họ đào tạo ra nhiều người nếu không muốn nói là hầu hết các công chức, CEO và chính trị gia cấp cao của Pháp. Do giáo dục bậc đại học được nhà nước tài trợ nên chi phí rất thấp, học phí là từ €150 đến €700 tuỳ trường đại học và mức độ giáo dục khác nhau (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Một người có thể đạt bằng thạc sĩ (trong 5 năm) với chỉ khoảng €750–3.500. Học phí tại các trường kỹ thuật công lập tương đương với đại học, dù cao hơn một chút (khoảng €700). Tuy nhiên, học phí có thể lên đến €7000 một năm trong các trường kỹ thuật tư thục, còn các trường kinh doanh tư hữu hoặc bán tư hữu có học phí lên đến €15.000 mỗi năm. Bảo hiểm y tế cho sinh viên miễn phí cho đến tuổi 20.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pháp http://www.smh.com.au/environment/mont-blanc-shrin... //nla.gov.au/anbd.aut-an35098056 http://users.skynet.be/litterature/symbolisme/symb... http://www.tlfq.ulaval.ca/axl/francophonie/francop... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003354.php http://www.lausanne-tourisme.ch/view.asp?DomID=634... http://www.3starrestaurants.com/michelin-restauran... http://about-france.com/french/french-language.htm http://about-france.com/tourism/french-perfume.htm http://usforeignpolicy.about.com/od/newsiss3/tp/ir...